Từ ngày 17-5, tại các điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại, người dân, doanh nghiệp đã bắt đầu được tiếp cận loại tiền mệnh giá 20.000 đồng mới, bằng polymer. Trước đó, những thông tin về đặc điểm của loại tiền này đã được các ngân hàng công bố rộng rãi trong dân cư.
Tuy nhiên, bên cạnh kế hoạch đưa tiền polymer 20.000 đồng vào lưu thông, một số ý kiến cho rằng cần cảnh giác trước áp lực lạm phát hiện nay. Về vấn đề này, ông Nguyễn Chí Thành, Cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) khẳng định là sẽ không có áp lực làm tăng nguy cơ lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cũng đã tính toán kỹ đến vấn đề này, cũng như việc lựa chọn thời điểm thích hợp.
“Việc đưa tiền polymer 20.000 đồng vào lưu thông được xem như một giải pháp thay thế những đồng tiền cotton cũ, cân đối cơ cấu các mệnh giá trong lưu thông. Và đây cũng là một hoạt động bình thường của một ngân hàng trung ương”, ông Thành nói.
Một chuyên viên của Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) phân tích rõ hơn: “Nếu nói là đưa thêm tiền mới vào lưu thông thì sẽ gây sự hiểu nhầm về tăng lượng tiền có trong lưu thông, gián tiếp tạo áp lực lên lạm phát. Nhưng đây là một kế hoạch mang tính kỹ thuật, thay thế bởi một loại tiền tốt hơn, bền hơn và có khả năng chống giả cao hơn. Theo đó, có thể loại trừ hoàn toàn tác động của kế hoạch này đến áp lực lạm phát”.
Theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước sẽ dần thay thế loại tiền cotton cũ mệnh giá 20.000 đồng, tương tự như với mệnh giá 50.000 đồng trước đây. Trong tương lai gần, có thể một loại tiền polymer mới, mệnh giá 10.000 đồng cũng sẽ ra đời.
Hiện tại, chi phí phát hành tiền polymer tốn kém hơn tiền cotton, nhưng về dài hạn, đây là một giải pháp tiết kiệm khá hiệu quả, bên cạnh tính vượt trội về khả năng chống giả, thẩm mỹ…